Tại buổi trao tặng, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng cảm ơn đoàn phượt không ngại trời tối, vực sâu, là những người đầu tiên đưa hàng chục nạn nhân lên khỏi vực. "Tôi đánh giá cao tấm lòng và sự dũng cảm của các bạn, không quản hiểm nguy tham gia cứu hộ. Chính vì vậy mới giảm được thương vong", Bộ trưởng Thăng nói.
Ngoài bằng khen, nhóm được thưởng 12 triệu đồng và 16 chiếc mũ bảo hiểm cùng lời dặn "đi phượt thì an toàn phải là số một". Số tiền thưởng 500.000 đồng mỗi cá nhân trước đó từ Thành đoàn Hà Nội đã được Phong Vân ủng hộ lại cho quỹ từ thiện của Thành đoàn.
|
Bộ trưởng Đinh La Thăng trao tặng bằng khen cho các thành viên đoàn phượt Phong Vân. Ảnh: Giang Huy.
|
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia mong muốn được làm thành viên danh dự của nhóm phượt. Ngoài ra, ông còn đề nghị Bộ trưởng Thăng xem xét đưa Phong Vân làm thành viên danh dự của Ủy ban An toàn giao thông, trở thành nhân tố tích cực trong phong trào tuyên truyền ý thức tham gia giao thông và cứu hộ cứu nạn của người dân.
Vũ Như Thương (23 tuổi) thành viên trong đoàn mang theo chiếc cờ lê 24 giao lại cho Ủy ban An toàn giao thông quốc gia. Đó là vật dụng cậu dùng để cắm vào mặt đất, lấy sức leo lên leo xuống khi vận chuyển nạn nhân. Mấy ngày nay, nhìn thấy chiếc cờ lê là Thương lại nhớ đến những ký ức đau buồn trong vụ tai nạn.
Là thành viên nữ duy nhất trượt xuống tận đáy vực, Quỳnh Trang (26 tuổi) kể lại, khi bắt đầu tìm thấy các nạn nhân, cô cố giữ liên lạc với các bác sĩ để hỏi xem sơ cứu như thế nào thì tốt nhất. Các thành viên trong đoàn còn nghĩ ra cách tháo những chiếc ghế xe làm cáng cứu thương; dùng rèm xe, khăn quàng cá nhân để cố định nạn nhân rồi đội lên đầu, chuyền nhau đưa lên khỏi vực; rạch ghế ngồi lấy bông để cầm máu.
|
Bộ trưởng tặng các thành viên mũ bảo hiểm và dặn dò "đi phượt thì an toàn phải là số một". Ảnh: Giang Huy.
|
"Càng về sau càng có nhiều người dân xuống vực cùng đoàn tìm kiếm cho đến khi lực lượng cứu hộ và các bác sĩ đến. Thậm chí, một bác gái lúc đầu ngăn cản tôi xuống vực cũng xuống theo", Trang kể. Cô không giấu được niềm tự hào về những thành viên trong đoàn tuổi còn rất trẻ, chủ yếu là sinh viên đại học đã vượt qua nỗi sợ hãi để tham gia cứu người.
Chứng kiến nhiều xe khách đi trên khu vực miền núi chở quá số người quy định, thành viên đoàn Phong Vân mạnh dạn kiến nghị Bộ trưởng Đinh La Thăng cần quản lý vận tải chặt chẽ hơn để không còn xảy ra những tai nạn thương tâm nữa.
Trước đó, ngày 1/9, chiếc xe khách 45 chỗ chở theo 48 hành khách từ Sa Pa về thành phố Lào Cai lao xuống vực tại đoạn Tòng Sành - Dốc 3 tầng xã Tòng Sành, huyện Bát Xát (Lào Cai) khiến 13 người thiệt mạng, số còn lại bị thương. 16 thành viên trong đoàn phượt Phong Vân là những người chứng kiến và tham gia cứu hộ đầu tiên.
Điều dưỡng Lê Quang Chí, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai - người di chuyển ngay trong đêm để ứng cứu vụ tai nạn - cho biết, đội phượt Phong Vân có kỹ năng cứu hộ tại hiện trường rất tốt. Các nạn nhân đều được chằng cố định vào nệm giường nằm chiếc xe bị tai nạn. Việc nẹp định vị bằng phương tiện sẵn có tại hiện trường giúp nạn nhân hạn chế tổn thương khi đi chuyển. Bên cạnh đó, từng nạn nhân được đánh số thứ tự bằng bút dạ trên ngực giúp kiểm soát được số người khi tìm kiếm.
Hoàng Phương - Nam Phương